Đã quen thuộc từ 15 năm nay, kể từ ngày tôi bước chân vào giảng đường đại học, vẫn dáng đi nhanh nhẹn, thoăn thoắt, nhỏ nhắn đó; vẫn giọng nói điềm đạm, từ tốn đó; vẫn sự nghiêm túc, điều độ trong cả công việc và cuộc sống đó; vẫn là những con chữ gấp khúc, dài và dứt khoát đó… Thầy tôi: Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Văn Hàm!
Người xây nền, đắp móng cho ngành Lưu trữ học
Sinh ra và lớn lên từ vùng quê Bắc Giang giàu truyền thống, PGS. Nguyễn Văn Hàm theo học chuyên ngành Lưu trữ thuộc Khoa Lịch sử - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Kể từ khi tốt nghiệp vào năm 1967 đến nay, thầy luôn được coi là một trong số những người đầu tiên khai phá, đặt nền móng cho ngành đào tạo về Lưu trữ học của nước nhà. Những khó khăn thuở ban đầu từ sách vở, thông tin, đến điều kiện sống thời chiến tranh không ngăn cản được lòng hăng say, tâm huyết của thầy với ngành Lưu trữ học. Ngược theo dòng ký ức, Thầy vẫn thường kể với các cán bộ trẻ chúng tôi về thời kỳ sơ tán ở Thái Nguyên vô cùng gian khổ, nhưng các thầy rất quyết tâm trong việc nghiên cứu một ngành học mới để biên soạn những trang giáo án đầu tiên cho ngành Lưu trữ học. Thời chiến tranh, cơm gạo không đủ no, sách vở không sẵn có nhưng hàng ngày, các thầy vẫn miệt mài cùng các cán bộ Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng trao đổi, thảo luận sôi nổi về chuyên môn nghiệp vụ. Để giờ đây, cùng với thời gian và những trải nghiệm thực tế của các thầy, lý luận Lưu trữ học đã ngày càng đầy đặn và hoàn thiện hơn với Giáo trình Lý luận và thực tiễn công tác lưu trữ; Từ điển Thuật ngữ Lưu trữ; Công bố tài liệu văn kiện; Văn bản và Lưu trữ học đại cương… Bên cạnh đó, Thầy còn là cộng tác viên kỳ cựu của Tạp chí Văn thư Lưu trữ Việt Nam từ những ngày đầu tiên hoạt động với hơn 50 bài báo công bố.
Đong đầy những kỷ niệm với Thái Nguyên, rất hài hước, thầy kể chuyện lúc đi xe đạp xuống dốc thì buộc thêm cành cây nhiều lá để giảm tốc độ; xe nổ lốp thì bắt tạm con cóc bên đường lột da để vá xe… Khi có gia đình riêng, cuộc sống vẫn còn nhiều thiếu thốn, trồng rau, nuôi lợn vẫn là những công việc mà thầy cô thường làm… Cán bộ trẻ chúng tôi phần lớn đều là những 7X, 8X, 9X, khó có thể hình dung được rõ rệt những vất vả của các thế hệ đi đầu nhưng trong thâm tâm đều trân trọng tất cả những gì mà các thầy cô đã tạo dựng cho Khoa, cho ngành học mà hiện nay chúng tôi đang là những người nối tiếp.
Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Văn Hàm
Chủ nhiệm Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng (1996 - 2004), Chủ nhiệm Bộ môn Lưu trữ học (1993 - 2010)/Ảnh: Hiếu Lương.
Tâm huyết với cán bộ trẻ
Khi chúng tôi về công tác tại Khoa, ngành Lưu trữ học đã có cả một chặng đường dài phía trước. Những gì chúng tôi làm được hôm nay chỉ là sự viết tiếp chặng đường mà các thầy cô đã khai mở trong những ngày đầu gian khó.
Từ năm 1996, khi thành lập Khoa, tất cả chỉ có 5 cán bộ, đến nay, Khoa đã có 16 cán bộ giảng viên và hành chính. Gần như tất cả anh chị em trẻ Khoa tôi đều là sinh viên chính quy được giữ lại để bồi dưỡng thành cán bộ giảng dạy. Từ khi là Chủ nhiệm Khoa trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp (từ năm 1996 - 2004) cho đến lúc là Bí thư Chi bộ (từ năm 2004 - 2010) và cho đến hiện nay, với bất cứ cán bộ trẻ nào, thầy cũng đều ân cần nhắc nhở, chỉ dạy về tinh thần khiêm tốn học hỏi trong khoa học, phong cách, nếp sống, kỷ luật sao cho xứng đáng với vị trí người thầy. Với riêng tôi, được may mắn phân công công tác ở Bộ môn Lưu trữ học, khi đó thầy đang là Chủ nhiệm Bộ môn, tôi được thầy dìu dắt trong từng giờ giảng, chữa cho tôi từng câu chữ, từng cách nói năng để đến hôm nay tôi có thể tự tin đứng trên bục giảng.
Trong những dịp trò chuyện với cán bộ trẻ, thầy kể về công việc làm thêm thời bao cấp của các thầy cô thời đó, ấy là “đi chỉnh lý thuê” nghĩa là đến các cơ quan để giúp họ chỉnh lý các tài liệu lưu trữ. Nhờ công việc ấy mà kinh tế được cải thiện, cuộc sống cũng bớt phần vất vả, nhưng quan trọng là kiến thức thực tế phong phú sẽ bồi đắp lý thuyết vững chắc và đầy đủ hơn! Thầy khuyên lớp cán bộ trẻ chúng tôi nên gắng sức hòa mình vào thực tế để tích lũy kinh nghiệm cũng như để phát hiện những khoảng trống cần nghiên cứu, từ đó mà trưởng thành hơn trong khoa học.
Khoa chúng tôi có nhiều cơ hội đi công tác với thầy, dù đi đâu, đúng 5h sáng thầy đã dậy đi bộ tập thể dục và trở về nhà đọc sách. Tất cả các sự kiện của Khoa, thầy bao giờ cũng là người đến từ rất sớm. Phong cách nghiêm túc, kỷ luật ấy có lẽ cán bộ trẻ chúng tôi phải rèn luyện thêm trong nhiều năm nữa!
PGS.NGND Nguyễn Văn Hàm đã có gần 50 năm nghiên cứu và đào tạo ngành Lưu trữ học.
Thầy là người thầy của nhiều thế hệ cán bộ, học viên, sinh viên ngành Lưu trữ học Việt Nam/Ảnh: Hiếu Lương
Người thầy giản dị
Là một trong những người đi tiên phong xây dựng ngành Lưu trữ học ở Việt Nam, trải qua chặng đường nửa thế kỷ nghiên cứu và đào tạo ngành Lưu trữ học, thế nhưng, hiếm khi thấy thầy kể về những thành tích mà thầy đã đạt được. Các con trai, gái, dâu, rể của thầy đều là những người rất thành đạt, chúng tôi biết, Thầy rất tự hào nhưng không mấy khi thầy nói ra điều ấy.
Kể từ khi còn đang đương nhiệm cho đến lúc nghỉ hưu, thầy vẫn giản dị trong những bộ trang phục rất đỗi đơn giản và “lâu năm”. Năm nay, thầy đã ở độ tuổi “thất thập” song những ngày lên lớp hoặc có việc của Khoa, thầy lại lên xe buýt vào trường mặc dù xe lúc nào cũng đông và người đi xe không phải lúc nào cũng quan tâm chú ý đến người Thầy cao tuổi ấy!
Ngày mới ở lại Khoa, tôi rất ngạc nhiên khi thấy thầy ngồi sắp xếp những tờ giấy một mặt còn trắng, kẹp lại thành một tập, để vào góc tủ. Đến khi thầy nhờ đánh máy bài viết báo, giáo án, nhận xét, nghiệm thu… tôi mới vỡ nhẽ căn nguyên của việc làm này. Những dòng chữ khỏe khoắn, dứt khoát hiện lên trên từng trang giấy “tận dụng” khiến tôi càng cảm phục về sự tiết kiệm và giản dị của thầy.
PGS.NGƯT Vương Đình Quyền và PGS.NGƯT Nguyễn Văn Hàm - hai chuyên gia đầu ngành về Lưu trữ học
Nhà khoa học hàng đầu ngành Lưu trữ học
Là người có gần 50 năm nghiên cứu và đào tạo ngành Lưu trữ học, thầy đã tham gia, hợp tác với rất nhiều cơ quan như: Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, Tạp chí Văn thư Lưu trữ Việt Nam, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước… Gần như, ở cơ quan nào cũng có học trò cũ của Khoa, họ thường nhắc đến Thầy Hàm – người đã từng dìu dắt nhiều thế hệ học trò từ khi còn là Bộ môn Lưu trữ - Lịch sử nằm trong Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Với hướng nghiên cứu chính là hành chính, lịch sử tổ chức các cơ quan nhà nước, công bố học và lưu trữ học, thầy đã được mời tham gia nhiều hội đồng chấm luận văn thạc sỹ, luận án tiến sĩ, phê duyệt đề cương; nghiệm thu đề tài…Ở bất cứ đâu, thầy cũng luôn nhận được sự tôn trọng về nhân cách và kiến thức khoa học.
Ở độ tuổi lẽ ra đã được nghỉ ngơi, với tâm huyết và trách nhiệm của người làm khoa học, thầy lại cùng với các đồng nghiệp tham gia trong Ban biên tập Tạp chí Dấu ấn thời gian – một ấn phẩm của Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam với những bài viết chuyên về văn thư, lưu trữ và tư liệu lịch sử.
Để ghi nhận những đóng góp không ngừng kể từ những ngày đầu công tác trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo, năm 2005, thầy đã được nhận Huân chương lao động hạng Ba. Đến năm 2006, PGS. Nguyễn Văn Hàm được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Ngoài ra, thầy còn được vinh dự nhận các Huy chương như Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, Huy chương Vì sự nghiệp Lưu trữ Việt Nam, Kỷ niệm chương Vì sự phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là những công nhận xứng đáng để ghi nhận những công lao to lớn mà thầy đã cống hiến cho khoa học, cho giáo dục và cho cả ngành Lưu trữ nước nhà. Tập thể Khoa chúng tôi luôn cảm thấy vinh dự và tự hào với những danh hiệu mà thầy đã đạt được.
Với tất cả những tri thức tích lũy được và truyền lại cho thế hệ sau; với những gương mẫu về đạo đức và phong cách, chúng tôi mong được bày tỏ sự tri ân tới công lao đóng góp của thầy - người Thầy của nhiều thế hệ ngành Lưu trữ học Việt Nam!
PHÓ GIÁO SƯ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ NGUYỄN VĂN HÀM
+ Đơn vị công tác: Khoa Lịch sử (1967 - 1996). Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng (1996-2010). + Chức vụ quản lý: Chủ nhiệm Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng (1996 - 2004). Chủ nhiệm Bộ môn Lưu trữ học (1993 - 2010).
Lý luận và thực tiễn công tác lưu trữ (viết chung), Nhà xuất bản Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, 1990. Văn bản và Lưu trữ học đại cương (viết chung), Nhà xuất bản Giáo dục, năm 1996 (tái bản năm 1997). Từ điển Lưu trữ học Việt Nam (viết chung), Cục Lưu trữ Nhà nước xuất bản năm 1992. Bài giảng môn học: Công bố tài liệu văn kiện – Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ấn hành năm 1981; Nghiệp vụ công tác văn thư (viết chung), Nhà xuất bản Lao động, năm 2001. |
Nguồn:http://www.ussh.vnu.edu.vn/