Công ty cổ phần lưu trữ Thành Gia Phát

  • Slider
  • Slider
  • Slider
  • Slider
  • Slider

Hỗ trợ trực tuyến

Hotline: 0911152515

Email: luutruthanhgiaphat@gmail.com

Facebook

Hotline: 0911152515

Email: luutruthanhgiaphat@gmail.com

Facebook

Hotline: 0913.64.68.64

Email: luutruthanhgiaphat@gmail.com

Facebook

Hotline: 0982.15.25.15

Email: thanhtv.qtvp@gmail.com

Facebook

Video

Chi tiết bài viết

PGS.TS.NGƯT Vũ Thị Phụng: Gặt hái hạnh phúc bằng tình yêu và đam mê



PGS.TS.NGƯT Vũ Thị Phụng: Gặt hái hạnh phúc bằng tình yêu và đam mê

Khó ai có thể đưa ra được một định nghĩa hoàn hảo nhất về hạnh phúc. Bởi một lẽ thật đơn giản, mỗi người đều có những thang giá trị “hạnh phúc” của riêng mình, không giống và không trộn lẫn với người khác. Tuy nhiên, có một người phụ nữ đáng ngưỡng mộ - người đã tạo cảm hứng và là động lực để tôi cảm nhận được mình thật hạnh phúc khi được viết về cô, về niềm hạnh phúc của cô. Người phụ nữ ấy là PGS.TS.NGƯT Vũ Thị Phụng - người mà chúng tôi, những cán bộ trẻ và các thế hệ sinh viên Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng luôn gọi, luôn nhắc đến với lòng yêu mến: “Cô của chúng tôi”, người “thuyền trưởng”, Chủ nhiệm Khoa của chúng tôi nhiệm kỳ 2009-2014.

 

Cách đây tròn một năm, ngày 14/10/2014, trong buổi lễ ra mắt Ban Chủ nhiệm khoa mới, với tư cách là Chủ nhiệm khoa tiền nhiệm, PGS.TS Vũ Thị Phụng đã có bài phát biểu ngắn gọn, nhưng để lại cho những người tham dự nhiều cảm xúc và ấn tượng: “Thật vui mừng khi thấy Ban chủ nhiệm khoa của nhiệm kỳ mới đều trẻ hơn tôi 20 tuổi, chí cao, tâm sáng, đang sung sức, đầy nhiệt huyết và nhiều sáng tạo. Nhiều người nói với tôi rằng, khi kết thúc nhiệm kỳ, có được những người kế tiếp như vậy thì đó là hạnh phúc. Và hôm nay, tôi thật sự là một người Hạnh phúc!”.

Tôi cứ nghĩ mãi về câu kết ấy của cô. Quả thực mấy ai nói được câu “tôi là người hạnh phúc” với niềm hân hoan, rạng rỡ từ tận đáy lòng như thế. Câu nói này đã giúp tôi lần giở lại những niềm hạnh phúc mà cô đã chắt chiu, gom góp suốt hành trình mấy chục năm, từ một cô gái quê lúa Thái Bình ham học, đến một sinh viên xuất sắc, một nhà khoa học tâm huyết, nhà quản lý nhiều kinh nghiệm và Nhà giáo Ưu tú trong lòng các thế hệ sinh viên.    

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Vũ Thị Phụng/Ảnh: Thành Long

 Có lần cô mời cả khoa về thăm ngôi nhà mới xây dựng khang trang trên nền đất cũ của cha mẹ ở Thái Bình. Chúng tôi vui vẻ tận hưởng không khí trong lành của vùng thôn quê, với nhà ngói, sân gạch, vườn cây, ao cá và không ngớt trầm trồ. Nhưng cô lại chỉ cho chúng tôi xem bức ảnh chụp cảnh ngôi nhà cũ, tường đất, lợp rạ, cửa là những tấm phên tre ghép lại, bên dưới là dòng chữ “Nơi Mẹ đã nuôi chúng con khôn lớn, trưởng thành”. Cô nói, ngày bố cô đi bộ đội rồi hy sinh, khi đó cô mới tròn 8 tuổi, nhưng đã có đằng sau 3 đứa em thơ. Nhà nghèo, vất vả nhưng cô luôn thích học và ham đọc sách. Niềm hạnh phúc của cô là được thả trâu trên bãi cỏ rộng và ngồi đọc những cuốn sách về mọi chủ đề được mượn của bạn bè quanh xã. Sách đã góp phần giúp cô không chỉ trở thành học sinh giỏi văn suốt thời phổ thông và mà còn dẫn cô đến Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trở thành sinh viên Khoa lịch sử (khóa 1976 -1980).

 Năm 1980, sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Lưu trữ - Lịch sử, cô được Trường giữ lại làm giảng viên Bộ môn Lưu trữ, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đối với cô, đó là điều may mắn và hạnh phúc. Cô luôn thầm cảm ơn những người thầy của Khoa Lịch sử và Bộ môn Lưu trữ, vì nhờ có sự lựa chọn của các thầy, cô đã có cơ hội tiếp tục học tập và đóng góp cho nghề nghiệp. Năm 1998, cô đã học thêm và tốt nghiệp cử nhân Luật của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Một năm sau đó, cô bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học lịch sử với đề tài nghiên cứu về “Văn bản quản lý nhà nước thời Nguyễn”. Năm 2005, cô được phong học hàm Phó Giáo sư. Năm 2014 Cô được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba và danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Ngày Khoa tổ chức Lễ kỷ niệm 20/11/2014 và chúc mừng cô nhân sự kiện trọng đại này, chúng tôi thấy cô cười rạng rỡ. Cô lại nói trong sự xúc động không kìm nén “Tôi thấy mình may mắn và hạnh phúc!”.

Nếu chỉ liệt kê các sự kiện theo thời gian, ai đó sẽ nghĩ con đường cô đi có vẻ bằng phẳng và thuận lợi. Nhưng từng là học trò và nay là đồng nghiệp của cô, chúng tôi biết rõ, niềm hạnh phúc mà cô có được thật không đơn giản và thật là xứng đáng.

Tôi luôn tò mò và tự đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh sự đánh giá cao của sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đối với những giờ giảng của cô Phụng. Quả thật, khi còn là sinh viên của cô, do sự “non nớt” của tuổi trẻ, tôi đã ngấm một cách rất tự nhiên những kiến thức do cô giảng dạy mà vô tình không để ý đến nghệ thuật truyền đạt của cô. Sau này, khi đã trở thành giảng viên, tôi mới nhận thức được rằng thật sự rất khó mới đạt được khả năng như cô. Sự tò mò đã thôi thúc tôi muốn dự giờ lại những học phần do cô đảm nhận. Giọng nói “khàn” đặc trưng nhưng rất “bắt mic” và cuốn hút của cô đã làm say mê bao thế hệ sinh viên trong những ngày ngồi trên giảng đường đại học. Những tri thức uyên bác được truyền đạt bằng sự say mê, nhiệt huyết, cộng hưởng với sự dí dỏm, hài hước đã khiến cho những giờ lên lớp của cô trở nên “thật ngắn ngủi” và thường kết thúc trong sự tiếc nuốimuốn được “kéo dài” thêm nữa của người học. Không chỉ với sinh viên, sau này nhiều lần được tham gia cùng cô trong các lớp tập huấn ngắn hạn cho nhiều cơ quan, tổ chức hay doanh nghiệp trong phạm vi cả nước, tôi nhận thấy khả năng “truyền lửa” của cô còn lan tỏa sang cả các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức ở mọi lứa tuổi, địa vị hay ngành nghề khác nhau. Và tôi đã phần nào nhận ra được bí quyết trong những giờ lên lớp vốn trở thành “thương hiệu” của cô. Chính niềm hạnh phúc trong giảng dạy, công việc mà cô vẫn nói với chúng tôi là “gieo tri thức, gặt về nhân đức” đã làm nên những giờ giảng thành công của cô - niềm hạnh phúc được sống có ích cho người khác. Cô đã giúp tôi giác ngộ được chân lý đầu tiên trong sự nghiệp giảng dạy của mình là “Muốn thăng hoa trên giảng đường, mỗi giảng viên hãy cảm nhận niềm hạnh phúc ngay trong những giờ giảng của chính mình”. Niềm hạnh phúc đầu tiên của cô Phụng là ở cái lẽ đơn giản đó.  

Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, cô đã có những đóng góp đáng ghi nhận cho khoa học lịch sử, luật học, văn bản học, lưu trữ học và quản trị văn phòng. Cụ thể, cô đã chủ trì và tham gia 4 đề tài cấp nhà nước, 10 đề tài cấp bộ, 2 đề tài cấp cơ sở. Cô cũng đã tham gia viết 9 cuốn sách, trong đó có 5 cuốn sách đứng tên độc lập và cô cũng là tác giả của hơn 90 bài tạp chí khoa học, kỷ yếu hội thảo. Có thể kể tên một số công trình tiêu biểu của cô viết hoặc chủ biên như Lịch sử Nhà nước và Pháp luật Việt Nam (giáo trình đại học) xuất bản năm1997, tái bản có bổ sung, sửa chữa năm 1998, 2003, 2008); Nghiệp vụ thư ký văn phòng (giáo trình đại học, xuất bản năm 2001, tái bản năm 2003, 2008, 2010); Văn bản quản lý nhà nước thời Nguyễn(sách chuyên khảo, xuất bản năm 2005); Nghiệp vụ lưu trữ cơ bản (giáo trình cho hệ trung học chuyên nghiệp, xuất bản năm 2006) và nhiều sách khác.

Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, PGS.TS.NGƯT Vũ Thị Phụng có những đóng góp đáng ghi nhận cho khoa học lịch sử, luật học, văn bản học, lưu trữ học và quản trị văn phòng/Ảnh: Thành Long

Sau những giờ giảng nhiệt huyết, niềm hạnh phúc tiếp theo của cô là được ngồi vào bàn làm việc, lao động với những tri thức mới nhằm sáng tạo ra các sản phẩm nghiên cứu với hàm lượng khoa học cao. Niềm say mê nghiên cứu đã giúp cô tích lũy được nhiều kiến thức quý báu, tiếp sức cho những giờ giảng trên lớp, đồng thời giúp cô giải quyết được nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn của ngành học. Cô dành thời gian cuối ngày, khi những giờ giảng, lo toan, bận rộn tạm gác lại, để tĩnh tâm với công việc nghiên cứu. Cô thường làm việc rất khuya, nhiều khi chúng tôi nhận được email cô gửi khi thời gian đã sang ngày mới. Từ khi còn trẻ, thói quen này đã được cô thiết lập và duy trì đến ngày hôm nay. Cô tâm sự rằng không từ nào có thể diễn tả được niềm sung sướng mỗi khi đọc được những bài viết, những cuốn sách hay, khi giải mã được một vấn đề khoa học phức tạp, hoặc chưa rõ ràng, hoặc còn nhiều vướng mắc. Chính sự say sưa khám phá các chân trời kiến thức mới này đã giúp cô công bố được nhiều sản phẩm nghiên cứu có tính lý luận và thực tiễn cao, được sự thừa nhận của giới chuyên môn. Lối tư duy sắc sảo và khúc chiết được truyền tải bởi một giọng văn logic, chặt chẽ, mạch lạc là những đặc điểm dễ nhận thấy trong những nghiên cứu của cô. Nhìn cô đầy hào hứng ký tặng sinh viên và đồng nghiệp mỗi khi xuất bản được một công trình khoa học, tôi biết cô đang hạnh phúc - Niềm hạnh phúc mang tên “đam mê khoa học”.

Cô từng tâm sự: Gần 40 năm học tập và làm việc tại trường, tôi thấy mình thật may mắn và hạnh phúc. Tôi thấy mọi điều đến với mình như một giấc mơ, nhưng giấc mơ đó là có thật. Và tôi tự hỏi: liệu mình có thể có được những điều thật như mơ ấy không, nếu mình không chọn ngôi trường này, nếu mình không có những người thầy, người bạn, không có các thế hệ sinh viên tuyệt vời của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hôm nay?/Ảnh: Thành Long

Trong hoạt động quản lý, cô đã có nhiều đóng góp đặc biệt cho Bộ môn, cho Khoa và phần nào đó cho hoạt động quản lý của Trường. Năm 1996, Khoa Văn thư và Lưu trữ học được tách ra từ Khoa Lịch sử, trở thành một khoa độc lập trực thuộc Trường. Cô đã cùng nhiều thầy cô của Bộ môn Lưu trữ dành nhiều tâm huyết cho việc gây dựng Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng ngày nay. Đặc biệt, trong thời kỳ 2009- 2014, trên cương vị Chủ nhiệm Khoa, nối tiếp các thành công của các thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm, cô đã lãnh đạo đơn vị đạt được  những bước phát triển quan trọng. Mọi thành tựu của Khoa đạt được trong những năm qua đều mang dấu ấn cá nhân của cô như: chuyển đổi các chương trình đào tạo; triển khai chương trình đào tạo Tiến sỹ Lưu trữ học; xây dựng Đề án đào tạo Thạc sỹ Quản trị văn phòng; mở rộng quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế; xây dựng và triển khai một số định hướng nghiên cứu mới về văn bản học, lưu trữ học và quản trị văn phòng; triển khai nhiều hoạt động chuyên môn để nâng cao thu nhập cho cán bộ và tạo dựng môi trường làm việc thân thiết, gắn bó trong Khoa.

May mắn được làm trợ lý cho cô ngay từ khi ở lại Trường, tôi hoàn toàn bị thuyết phục và thu phục bởi những tố chất quản lý cần phải học hỏi của cô. Đó là sự sáng tạo và quyết liệt trong công việc, khả năng nhìn nhận và phân công nhân lực tài tình và sự nhạy cảm đặc biệt của một nhà quản lý. Sự sáng tạo giúp cô có được nhiều ý tưởng táo bạo trong hoạt động quản lý khoa và bộ môn. Khả năng phân công và sự quyết liệt trong chỉ đạo đã giúp cô hiện thực hóa thành công nhiều ý tưởng quản lý. Cuối cùng, sự nhạy cảm giúp cô điều hòa và phát huy một cách khéo léo mọi nguồn lực của khoa nhằm hướng tới một mục tiêu chung. Tất cả các tố chất trên đã giúp cô đạt được những thành công đáng ghi nhận trong quá trình làm công tác quản lý của mình. Tôi và nhiều cán bộ khác đã thực sự trưởng thành trong quá trình được cộng tác với cô. Sự phát triển ngày hôm nay của Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng là công lao của nhiều thế hệ các thầy, cô giáo đi trước, trong đó có một phần không nhỏ của cô Phụng. Và chúng tôi biết rằng cô cũng đang hạnh phúc vì điều đó.

PGS.TS.NGƯT Vũ Thị Phụng hạnh phúc bên người bạn đời - PGS.TS.NGƯT Lâm Bá Nam/Ảnh: Thành Long

Không chỉ là một người thành công trong công việc chuyên môn, PGS.TS Vũ Thị Phụng còn là một người vợ, người mẹ mẫu mực trong gia đình. Gia đình cô hiện nay thật viên mãn với 2 thế hệ theo đuổi sự nghiệp khoa học. Nhiều cán bộ trẻ của Khoa đã lấy mô hình gia đình cô để làm mục tiêu phấn đấu. Có một lần khi trả lời phỏng vấn báo chí, trước câu hỏi về sự lựa chọn “sống còn” giữa gia đình và sự nghiệp, cô đã chia sẻ đại ý rằng: “Nếu chỉ chọn gia đình, tôi là một phụ nữ. Nếu chỉ chọn sự nghiệp, tôi là một trí thức. Là một phụ nữ trí thức, tôi muốn có cả hai. Nhưng nếu cuộc đời bắt buộc phải chọn một thì tôi sẽ chọn gia đình và sau đó, dù khóc hết bao nước mắt cũng không nguôi ngoai được nỗi buồn”. May thay, cho đến nay, cô của chúng tôi đã không phải đứng trước sự chọn lựa nghiệt ngã ấy. Cô vẫn thường nói, cô may mắn vì có một gia đình mà mọi người đều yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, cùng chia sẻ công việc gia đình và luôn ủng hộ, động viên cô khi gặp khó khăn cũng như khi có những niềm vui trong công việc. Dù bận rộn với bao công việc của khoa, trường, nhưng cô vẫn luôn giành thời gian cho gia đình, chăm mẹ già, nuôi dạy các con trưởng thành, yêu cháu nội và chia sẻ niềm vui công việc với chồng.

Niềm hạnh phúc dường như càng thêm trọn vẹn khi những đóng góp của cô đã được đoàn thể, nhà nước ghi nhận. 12 năm cô là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 5 năm là chiến sĩ thi đua cấp Đại học Quốc gia. Cô đã nhận được những bằng khen cao quý của Bộ Giáo dục Đào tạo và Chính phủ. Và đặc biệt năm 2014, việc cô được nhà nước phong tặng Huân chương Lao động hạng Ba và danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Đó là sự ghi nhận xứng đáng với những công sức và tâm huyết mà cô đã đóng góp cho nghề nghiệp, cho đời. Tuy cùng được nhận Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều bằng khen khác, nhưng hai thầy cô đã quyết định chọn và treo trong phòng khách hai bảng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Cô bảo, đấy là phần thưởng cao quý cho những người làm nghề giáo. Nhìn cô rạng rỡ nhận hoa chúc mừng từ đồng nghiệp và lớp lớp học trò, chúng tôi thấy cô đang nở nụ cười hạnh phúc.

Trong Lễ khai giảng năm học mới 2014 -2015, cô được đại diện cho cán bộ, giảng viên toàn trường phát biểu. Xin trích lại lời phát biểu của Cô: “Gần 40 năm học tập và làm việc tại trường, trải qua rất nhiều vai: sinh viên, giảng viên, người nghiên cứu, cán bộ quản lý; được học nhiều thầy cô đáng kính; được chia sẻ kiến thức với bao thế hệ sinh viên; được đi đến tất cả các tỉnh, thành trong cả nước và bay tới một vài quốc gia trên thế giới..., tôi thấy mình thật may mắn và hạnh phúc. Nhiều lúc ngồi suy ngẫm, tôi thấy mọi điều đến với mình như một giấc mơ, nhưng giấc mơ đó là có thật. Và tôi tự hỏi: liệu mình có thể có được những điều thật như mơ ấy không, nếu mình không chọn ngôi trường này, nếu mình không có những người thầy, người bạn, không có các thế hệ sinh viên tuyệt vời của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây và Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hôm nay?”.

Hiện nay, PGS.TS.NGƯT Vũ Thị Phụng vẫn đang đảm nhiệm các vị trí quan trọng của Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng như Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo và Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị văn phòng. Say đắm và hết mình trong công việc, cô vẫn đang mải mê trên con đường tìm kiếm và gặt hái những niềm hạnh phúc cho riêng mình bằng chính tình yêu và niềm đam mê với giảng dạy, nghiên cứu và với cuộc đời. 

PHÓ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ VŨ THỊ PHỤNG

  • Năm sinh: 1959.
  • Quê quán: Thái Bình.
  • Tốt nghiệp đại học ngành Lịch sử tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1980.
  • Tốt nghiệp đại học ngành Luật học tại Khoa Luật, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 1998.
  • Nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử tại Trường ĐHKHXH&NV năm 1999.
  • Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 2005.
  • Được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2014.
  • Thời gian công tác tại trường: 1980-nay.

+ Đơn vị công tác:

Bộ môn Lưu trữ học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1980-1996).

Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng (1996-nay).

+ Chức vụ quản lý:

Chủ nhiệm Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng (2009-2014).

Chủ nhiệm Bộ môn Văn bản và Hành chính học (2000-2014).

Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị văn phòng (2014-nay).

  • Các hướng nghiên cứu chính: Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam, Văn bản học và Lưu trữ học, Quản trị văn phòng, Khoa học hành chính.
  • Các công trình khoa học tiêu biểu:

Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam (Từ nguồn gốc đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945). Sách chuyên khảo. Nxb Khoa học Xã hội, 1990;

Lý luận và kỹ thuật soạn thảo văn bản (Tập bài giảng). Khoa Luật, Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1995.

Một số vấn đề về xây dựng và cải cách nền hành chính nhà nước Việt Nam (viết chung). Nxb Chính trị Quốc gia, 1996.

Lịch sử Nhà nước và Pháp luật Việt Nam (Giáo trình đại học). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1997; tái bản có bổ sung, sửa chữa: năm 1998, 2003, 2008.

Nghiệp vụ thư ký văn phòng (Giáo trình đại học). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001; tái bản 2003, 2008, 2010.

Văn bản quản lý nhà nước thời Nguyễn (Sách chuyên khảo). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005.

Nghiệp vụ lưu trữ cơ bản (Giáo trình cho hệ trung học chuyên nghiệp). Chủ biên. Nxb Hà Nội, 2006

Tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam theo các Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 và 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001 (đồng tác giả) .NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2006

Tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam từ 1945 -2005 (đồng tác giả). NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2007.

 

 Nguồn: http://www.ussh.vnu.edu.vn/

Thông tin các dự án

  • Chỉnh lý tài liệu lưu trữ UBND huyện Tân Phú
  • Chỉnh lý tài liệu Phòng Tài nguyên - Môi trường Kon Tum
  • Chỉnh lý tài liệu tại Văn phòng HĐND và UBND huyện Thống Nhất
  • Hợp tác với Trường Đại học Đồng Nai
  • Chỉnh lý tài liệu của Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai
  • Chỉnh lý tài liệu tại Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Thống Nhất
  • Chỉnh lý tài liệu tại UBND huyện Định Quán
  • Chỉnh lý tài liệu của Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai
  • Hợp tác với Trường Đại học Đồng Nai
  • Chỉnh lý tài liệu Phòng Tài nguyên - Môi trường Kon Tum
  • Chỉnh lý tài liệu tại UBND huyện Định Quán
  • Chỉnh lý tài liệu lưu trữ UBND huyện Tân Phú
  • Chỉnh lý tài liệu tại Văn phòng HĐND và UBND huyện Thống Nhất
  • Chỉnh lý tài liệu tại Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Thống Nhất